Hoàng Sa
2020-04-15
Diễn biến mới nhất trong “cuộc chiến pháp lý” tại khu vực biển Đông gần đây, thông qua các công hàm ngoại giao, đó là việc ngày 10/4/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi hai Công hàm lên Liên Hợp Quốc, theo sau Công hàm ngày 30/3/2020 gây ồn ào dư luận thời gian gần đây.
Tóm tắt diễn biến sự việc
Xin nhắc lại diễn biến của sự việc như sau:
Theo quy định của Điều 76 (1) Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (Viết tắt tiếng Anh là UNCLOS), mỗi quốc gia ven biển sẽ có vùng Thềm lục địa.
“Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó…”. Thềm lục địa của mỗi quốc gia ven biển thường sẽ có chiều rộng là 200 hải lý tính từ Đường cơ sở của quốc gia ven biển đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Thềm lục địa của một quốc gia ven biển có thể kéo dài tới tối đa là 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Theo quy định của UNCLOS thì ngày 13/5/2009 là hạn chót để các quốc gia nộp các bản Đệ trình kèm theo bằng chứng khoa học chứng minh cho Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt tiếng Anh là CLCS), nếu thấy mình có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng cho việc yêu cầu một vùng Thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý.
Chính vì vậy, ngày 6/5/2009, Việt Nam đã gửi một bản Đệ trình chung với Malaysia về Thềm lục địa mở rộng chồng lấn của hai quốc gia này tại khu vực phía Nam biển Đông. Đồng thời, ngày 7/5, Việt Nam cũng gửi một bản Đệ trình về Thềm lục địa mở rộng của riêng mình tại khu vực Bắc biển Đông.
Ngay sau đó, ngày 8/5/2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc đã gửi Công hàm để phản đối tất cả các bản Đệ trình của Việt Nam và Malaysia.
Ngày 4/8/2009, Phái đoàn thường trực của Philippines cũng gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các Đệ trình của Việt Nam và Malaysia.
Ngày 12/12/2019, Malaysia lại tiếp tục gửi một bản Đệ trình mới, bởi vì sau khi Toà trọng tài ra Phán quyết năm 2016, đã có những giải thích mới, nên dẫn tới những cơ sở pháp lý khác mà Malaysia có thể vận dụng để yêu sách Thềm lục địa mở rộng của mình. Đệ trình này của Malaysia đã “hâm nóng” lại cuộc chiến pháp lý tại biển Đông thông qua các bản công hàm này.
Ngày 6/3/2020, Philippines đã ra Công hàm đáp trả Đệ trình của Malaysia.
Ngày 23/3/2020, Trung Quốc cũng gửi bản Công hàm thứ hai lên Liên Hợp Quốc để phản đối Đệ trình của Malaysia và đưa ra các lập luận cho yêu sách của họ trên khu vực biển Đông.
Ngày 30/3/2020, Việt Nam đã gửi bản Công hàm thứ nhất lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách cũng như các lập luận về yêu sách đó của Trung Quốc. Nhưng trong Công hàm này, phía Việt Nam không đả động gì tới Đệ trình của Malaysia.
Chính vì lẽ đó, một vấn đề mà một số chuyên gia thắc mắc là bản Đệ trình lần này của Malaysia có một số khu vực chồng lấn tới thềm lục địa của Việt Nam, nếu Việt Nam không lên tiếng thì có nghĩa là chấp nhận “nhường phần hơn” cho Malaysia chăng?
Tuy nhiên, với hai Công hàm mang số hiệu 24/ HC-2020 và 25/HC-2020 ngày 10/4/2020 thì vấn đề có khác hơn.
Các Công hàm mới của Việt Nam thể hiện gì?
Công hàm số 24 là đáp lại Đệ trình của Malaysia ngày 12/12/2019.
Trong Công hàm này, có 3 nội dung cơ bản:
Thứ nhất, “Việt Nam lưu ý rằng theo Điều 76(10) và Phụ lục II của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Malaysia là thành viên, hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không làm phương hại đến các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền”.
Điều này hàm nghĩa nhắc tới vai trò của Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa trong việc nếu có công nhận Thềm lục địa mở rộng của Malaysia thì cũng không được vượt quá các quyền của Việt Nam trong việc phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Malaysia.
Hiện nay, Việt Nam và Malaysia vẫn chưa hoàn tất việc phân định biên giới biển giữa hai quốc gia này. Việc phân định biên giới là việc khá phức tạp, dựa trên nhiều quy định khác nhau của luật biển quốc tế, từ UNCLOS đến các tập quán quốc tế, án lệ quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế.
Thứ hai, “Việt Nam nhắc lại Báo cáo chung ngày 06 tháng 5 năm 2009 giữa Việt Nam và Malaysia về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía Nam Biển Đông và Báo cáo ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía Bắc Biển Đông. Việt Nam bảo lưu quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông”.
Nội dung này hàm ý nhắc lại các bản Đệ trình mà Việt Nam đã gửi cùng với Malaysia ngày 6/5/2009 cùng với Đệ trình của riêng Việt Nam ngày 7/5/2009. Tức là các Đệ trình này vẫn phải được xem xét, cho dù đã xuất hiện thêm các tình tiết pháp lý mới sau Phán quyết 2016.
Ngoài ra, Việt Nam bảo lưu quyền đệ trình thông tin liên quan, tức là Việt Nam yêu cầu khả năng Việt Nam sẽ có quyền bổ sung các yêu cầu về các vấn đề liên quan đến Thềm lục địa mở rộng của mình bất cứ khi nào Việt Nam có thể và thấy cần cung cấp thông tin để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, “Việt Nam xin nhắc lại lập trường nhất quán rằng Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Lập trường này của Việt Nam đã được đề cập trong nhiều văn bản được lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan”.
Tuyên bố này cũng được nhắc tới như nội dung chính trong Công hàm số 25 nhằm đáp lại Công hàm của Philippines ngày 6/3/2020.
Tuyên bố này luôn được nhắc lại trong các bản Công hàm cũng như các tuyên bố của giới chức ngoại giao Việt Nam khi nói về vấn đề Biển Đông.
Ngoài việc nhấn mạnh đến chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam nhấn mạnh đến quyền được hưởng các lợi ích trên các vùng biển mà Việt Nam được hưởng theo quy định của UNCLOS, bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Kết luận
Tranh chấp Biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Tranh chấp này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực từ địa lý, hải dương đến các vấn đề như năng lượng, luật pháp và địa chính trị…
Tuy nhiên, việc Trung Quốc càng ngày càng lấn lướt trên Biển Đông với các hành động hung hăng, hiếu chiến của mình, đe doạ an ninh, an toàn và môi trường hoà bình ở Biển Đông. Chính vì vậy, nhiều người trên thế giới vẫn mong muốn tranh chấp này sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế thì mới có thể cân bằng được các mâu thuẫn lợi ích của các bên liên quan.
H.S.