6.300 câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: đừng hứa suông và trả lời cho có!

Cảnh Chân

15.08.2023

(VNTB) – Trải qua bốn đời bộ trưởng, lời hứa tăng lương giáo viên trong gần 20 năm qua vẫn là cái bánh vẽ. 

Ngày 15/8, ông Nguyễn Kim Sơn sẽ có lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp với giáo viên cả nước kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây sẽ là cuộc họp vừa trực tiếp vừa trực tuyến để kết nối với giáo viên tại 63 tỉnh thành trong cả nước.

Làm sao trả lời hết bức xúc chỉ trong một ngày?

Nhiều người tỏ ra không đánh giá cao về chất lượng cuộc họp do tính chất online, thời gian chỉ diễn ra trong một ngày nhưng lại có tới hơn 6.300 câu hỏi được đặt ra. Một số bình luận thậm chí còn nghi ngờ về việc chắc lọc các câu hỏi dễ để bộ trưởng trả lời có lệ và bỏ đi các câu hỏi khó.  

Dựa trên thông tin báo chí thì buổi sáng ngày 15, bộ trưởng sẽ nói chuyện với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Buổi chiều ông sẽ tiếp xúc với giảng viên các trường đại học. Ngoài ông Sơn, còn có thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, các vụ trưởng, cục trưởng trực thuộc Bộ và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Ân.

Theo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, tính tới ngày 13/08 đã có hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên được gửi về Bộ. Các ý kiến được sắp xếp theo ba cụm vấn đề chính mà ngành giáo dục đang gặp phải. 

Một là thực trạng công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ. Hai là việc chia sẻ các khó khăn, bất cập, mối quan tâm của giáo viên với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, tự chủ đại học và đề xuất giải pháp. Cuối cùng là thắc mắc về chiến lược giáo dục, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào khi phải đối mặt với những vấn đề bất cập hiện nay ở tất cả các cấp học.

Bốn đời bộ trưởng chỉ toàn hứa suông

Những vấn đề này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bất cập mà ngành giáo dục đang vướngphải. Trải qua hàng chục năm với mấy đời bộ trưởng mà vẫn không giải quyết được, thậm chí càng ngày càng tệ hơn.

Chẳng hạn câu chuyện thiếu giáo viên nhưng phải giảm 10% biên chế. Theo thống kê thì cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên nhưng chỉ trong  2 năm (2021, 2022) cả nước lại có tới 29.000 giáo viên bỏ việc. Nguyên nhân được cho là do áp lực công việc nhiều nhưng thu nhập thấp. Nhiều giáo viên phải hợp đồng không chính thức nhiều năm, có giáo viên phải hợp đồng đến 20 năm với mức lương chỉ từ 2-3 triệu/tháng.

Lương giáo viên là bức xúc trải qua 4 đời bộ trưởng, từ Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ tới nay là Nguyễn Kim Sơn. Chưa ai giải quyết được mà chỉ toàn là lời hứa suông với những cái bánh vẽ đầy hoa mỹ.

Năm 2006, khi giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố đến năm 2010 thì “nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. Tới nay là 2023, kết quả của lời hứa này thì ai cũng thấy.

Đến năm 2010, khi vừa lên nhậm chức Bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận đã đề ra 8 nhiệm vụ phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Ông Luận dùng rất nhiều lời lẽ đao to búa lớn khi gọi chiến lược cải cách của mình như một trận đánh lớn và so sánh nó với cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.

“Tôi có dùng hình ảnh ‘một trận đánh lớn’ để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu. Ví dụ như: mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mang được lá cờ Tổ quốc cắm trên Dinh Độc Lập. Nhưng ngay lập tức từ năm 1954 mà chúng ta muốn mang cờ vào Dinh Độc Lập thì là điều không thể. Chúng ta phải đánh bằng nhiều lực lượng, đánh nhiều trận, đánh thắng từng bước để tiến tới thắng lợi cuối cùng”. Ông Luận hào hùng tuyên bố.

Tuy nhiên, cho tới cuối nhiệm kỳ thì ông này lại sa lầy vào số tiền lên tới 34.000 t đồng của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Và dĩ nhiên, ông cũng bất lực trong việc làm thay đổi mức tiền lương nhỏ bé của người giáo viên.

Tới thời Phùng Xuân Nhạ lên làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông này cũng có lời hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên” trong một phát biểu năm 2017. “Tất nhiên Bộ GD&ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất”, ông Nhạ nói với báo chí tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2017.

Cuối nhiệm kỳ, ông Nhạ và các thuộc cấp bị Ban Bí thư Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì hàng loạt sai phạm trong thời gian làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Vì thế tuyên bố tăng lương giáo viên chỉ còn là lời hứa suông.

Và tới bộ trưởng hiện nay là Nguyễn Kim Sơn. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã viết tâm thư gửi đến toàn thể giáo viên cả nước với trăn trở: “Tôi mong đời sống người giáo viên được cải thiện hơn”. Nhưng đến bây giờ mong muốn ấy chỉ là cái bánh vẽ như bao cái bánh vẽ của các đời bộ trưởng trước.

Trên đây chỉ là ví dụ về lời hứa tăng lương giáo viên trong gần 20 năm qua. Ngoài ra vẫn còn vô số bất cập về chương trình giáo dục, sách giáo khoa, phương án thi, bệnh thành tích, bạo lực học đường… Và giải pháp cho những nan đề này cũng là những lời hứa suông của những người đứng đầu ngành giáo dục. Hết nhiệm kỳ, lời hứa hết giá trị. Đây là những căn bệnh trầm kha mà thậm chí có người còn gọi là “quốc nạn” khi nền giáo dục được điêu hành bởi bộ não của người cộng sản: càng sửa càng sai, càng trị càng nặng, càng đổi mới càng thụt lùi.

C.C.

VNTB gửi BVN

 

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam. Bookmark the permalink.