“Khiêm tốn, chí công, vô tư” là những điều cụ Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ và đồng chí của mình. Thế nhưng những điều mà hai tác giả dưới đây trình bày thì đã nhan nhản suốt mấy chục năm rồi. Trật tự guồng máy của Việt Nam là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nhưng điều đó không có nghĩa là Đảng đứng trên nhân dân, bởi lẽ Nhân dân mới là cha mẹ của Đảng (“Đảng ta do dân tộc sinh ra” – Hồ Chí Minh). Ấy thế mà trong dân chúng đã truyền tai nhau: “Đảng lãnh đạo Nhà nước, quản lý Nhân dân, làm chủ”. Điều đó chẳng khác mấy với con số tần suất chữ “Đảng” xuất hiện nhiều nhất trong diễn văn của ông Tổng Bí thư Đảng mừng Quốc Khánh 2/9. Không biết bao giờ khẩu hiệu “Đảng là người đầy tớ của nhân dân” được phổ biến rộng rãi được như thế nhỉ.
Bauxite Việt Nam
Tôi đã nghỉ hưu được mấy năm, nhưng năm nào vào dịp Tết cũng được ít nhất ba cơ quan mời đến dự các buổi họp mặt cuối năm: nơi là cơ quan trao quyết định nghỉ hưu, nơi là cơ quan công tác cho tới ngày nghỉ, nơi đã có thời gian tham gia lãnh đạo. Mỗi nơi có một lý do riêng để mời nhưng đều là những lời mời tình nghĩa cho nên cũng thu xếp thời gian đến dự. Vả lại, ở những cuộc họp này lại là nơi những bạn già gặp nhau tâm tình, thăm hỏi nhau sức khỏe, gia đình… Cho nên không mấy khi tôi vắng mặt. Lại còn mang theo máy ảnh nhỏ để gặp bạn già chụp với nhau một kiểu kỷ niệm; có bạn năm nào cũng chụp cùng nhau vì mỗi năm một già, một khác, đều là những kỷ niệm. Có năm mải vui chuyện mà cũng quên chụp ảnh, tuy có sẵn máy ảnh trong túi.
Cũng như mọi năm, những ngày giáp Tết Kỷ Sửu nhưng đã sang năm mới 2010, tôi đến dự buổi gặp mặt cuối năm, mừng năm mới ở báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng, nơi tôi đã trưởng thành trong nghề báo. Cũng như một số năm, tuy tôi mang theo máy ảnh nhưng mải nói chuyện cho nên cũng chẳng chụp được gì; khi vào cuộc họp lại không tiện giơ máy ảnh ra. Nhưng khi nghỉ giải lao, có bạn hỏi: “Sao vào cuộc gặp mặt, ông không chụp ai chỉ thấy giơ máy ảnh chụp khẩu hiệu làm gì thế, chắc có kỷ niệm?”.
Đúng là anh bạn đã già mà còn tinh ý khi thấy tôi cố tình chụp khẩu hiệu để ghi nhớ một kỷ niệm vì khẩu hiệu này khác với khẩu hiệu treo đầy ở các đường phố Thủ đô và các nơi vào những ngày này. Cuộc họp giáp Tết năm ngoái ở đây khẩu hiệu này đã có nhưng tôi lại không mang theo máy ảnh, cho nên năm nay mang theo máy ảnh tìm cách chụp khẩu hiệu nhưng vẫn nghĩ “năm nay chưa chắc đã có”. Khi thấy có thì phải chụp để ghi nhớ vì trong bụng lại nghĩ “không biết sang năm có gặp lại hay không?”. Đó là lý do tôi phải chụp ba, bốn kiểu ảnh.
***
Trước đây, năm nào các cơ quan có trách nhiệm cũng có công văn thông báo những khẩu hiệu trong các ngày đầu năm, mỗi năm thường có một số dịp kỷ niệm quan trọng đáng nhớ, một số sự kiện đặc biệt cho nên cần có khẩu hiệu cho phù hợp. Nhưng có những vấn đề có ý nghĩa thường xuyên để nhắc nhở mọi người nhớ tới những tổ chức và người có công với đất nước, cũng là hợp với lòng dân, hợp lẽ uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây theo truyền thống dân tộc.
Những ngày đầu năm mới dương lịch và âm lịch lại thường sát với Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – tổ chức được nhân dân trao quyền lãnh đạo đất nước và thật sự là tổ chức có công rất lớn trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân ta giành lại độc lập, thống nhất đất nước và đang lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập thế giới, cho nên có khẩu hiệu mừng Đảng cũng là lẽ đương nhiên, phù hợp với tấm lòng của tuyệt đại đa số đồng bào. Rồi không biết từ lúc nào, cơ quan nào hướng dẫn hoặc tự phát nhưng sau đó thành nếp quen, một khẩu hiệu bao trùm trong ngày Tết các năm là: “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới”. Đã thành thói quen thì rất khó sửa và có thể có vấn đề tế nhị cho nên không tiện sửa vì nói trái đi có thể bị hiểu lầm. Nhưng dù sao, khẩu hiệu đó cũng có gì gờn gợn: Sao lại đặt Đảng trước dân tộc, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh? Nghĩ thế nhưng nhiều người không tiện nói.
Rồi dịp có thể sửa đã đến. Chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, thông báo của Bộ Chính trị về những ngày lễ lớn trong năm 2000 ghi rõ kỷ niệm Vua Hùng vào Ngày giỗ Tổ vì năm đó là năm chẵn. Do đó, trong thông báo khẩu hiệu Tết năm 2000 của Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương ghi rõ: “Mừng xuân, mừng đất nước, mừng Đảng”, nghĩa là có sự sửa đổi quan trọng bằng văn bản: đặt đất trời, tự nhiên lên trước, rồi đến đất nước dân tộc, rồi mới đến Đảng. Khẩu hiệu ban hành hợp lý, hợp tình cho nên không ai phản ứng khác, nhưng sau Tết, nghe phản ánh cũng chỉ có 3, 4 địa phương thực hiện; khi hỏi lại thì được biết không phải phản đối, khác ý gì mà chỉ vì thói quen mà thôi. Thế rồi quan sát trong thực tiễn thì phổ biến lại quay về nếp cũ không hay.
Đến dự cuộc gặp mặt vào dịp cuối năm, người ta chỉ ngắm cành đào, cây quất của cơ quan và bình luận chứ có mấy ai chú ý tới khẩu hiệu vì ai cũng nghĩ như mọi khi, riêng tôi thì cũng tình cờ mà chú ý từ cuộc gặp mặt cuối năm ở báo Nhân dân mừng Tết Mậu Tý – 2008, khẩu hiệu lớn treo ở hội trường: “Mừng xuân, mừng đất nước, mừng Đảng”, không ai dám nghĩ viết thế là coi nhẹ Đảng vì như trên đã nhắc đến phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta do dân tộc sinh ra”. Đặt Đảng lên trên đất nước là trái với tinh thần khiêm tốn của Đảng ta, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khẩu hiệu đúng như thế, có lý như thế mà lại mới thì thật lạ. Cho nên phải chụp ảnh khẩu hiệu treo ngay tại hội trường Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để ghi nhớ và cũng mong phổ biến tới nhiều cơ quan, địa phương và nhiều người, khi nghĩ về dân tộc, về Đảng.
Hữu Thọ
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/20100204025225388p0c15/chup-anh-khau-hieu-tet.htm
——————————————————————————————————————————-
Nói thêm về chụp ảnh khẩu hiệu Tết
Nguyễn Văn Tuấn
Bài viết trên đây của ông cựu Tổng biên tập báo Nhân dân có đề cập đến một vấn đề tế nhị, hay có người nói là “nhạy cảm”, vì ông chất vấn về trật tự của Đảng, xuân, và đất nước. Đúng là vấn đề tế nhị. Nhưng điều ông nói ra được trên mặt báo chí, thì tôi nghĩ người khác cũng có thể nói được. Do đó, tôi muốn nhân bài này bàn thêm vài điều chung quanh chuyện thứ tự Đảng, Nhà nước và Nhân dân, v.v…
Bác Hữu Thọ viết: “Rồi không biết từ lúc nào, cơ quan nào hướng dẫn hoặc tự phát nhưng sau đó thành nếp quen, một khẩu hiệu bao trùm trong ngày Tết các năm là: ‘Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới’. Đã thành thói quen thì rất khó sửa và có thể có vấn đề tế nhị cho nên không tiện sửa vì nói trái đi có thể bị hiểu lầm. Nhưng dù sao, khẩu hiệu đó cũng có gì gờn gợn: Sao lại đặt Đảng trước dân tộc, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh? Nghĩ thế nhưng nhiều người không tiện nói”. Chẳng hiểu tại sao không tiện nói. Tôi đồ rằng nếu tìm được xuất xứ của câu khẩu hiệu này, hẳn sẽ là đề tài thú vị cho một luận án Thạc sĩ.
Tôi thì nghĩ điều đó có lẽ do thói quen mà ra. Ở Việt Nam, người ta quen miệng nói “Đảng, Nhà nước, và Nhân dân”. Đọc báo, nghe đài, xem tivi, chúng ta thường hay thấy những cái tít hay cụm từ như muốn nhắc cho người dân biết rằng Đảng CSVN là người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Chẳng hạn “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội chúc thọ đồng chí Đỗ Mười” hay “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất cần những nhà báo có tâm, có tài”, mà trong đó Đảng đứng đầu, rồi mới đến Nhà nước, sau đó là quân đội, và cuối cùng là … nhân dân. Ngay cả công trạng cũng theo thứ tự đó: “Năm 2009 vừa qua, nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh gây ra, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng” (Trích thư chúc Tết của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết). Tôi thử google những trang web ở Việt Nam thì thấy chữ “Đảng” xuất hiện 762 triệu lần, chữ “Nhân dân” 829 triệu lần, và “Nhà nước” 964 triệu lần. Nói cách khác, những danh từ này đã thâm nhập sâu vào… quần chúng, rõ nét sau 1975.
Chúng ta thử nhìn sang nước khác xem cách họ nói chuyện ra sao. Những ai từng ở các nước phương Tây đều biết rằng ở đó không có khẩu hiệu tuyên truyền theo kiểu Việt Nam, chỉ có quảng cáo là nhiều. Vì thế, chúng ta không thể so sánh khẩu hiệu được, mà có lẽ phải so sánh diễn văn của các lãnh tụ. Ở Úc chưa bao giờ có một chính khách của bất cứ đảng chính trị nào – dù là đang cầm quyền hay đối lập – dám nêu những khẩu hiệu theo thứ tự như ở nước ta. Thật ra, họ làm ngược lại: các chính khách ghi nhận công lao của người dân, nhất là người thổ dân, chứ ít khi nào nói đến công trạng của chính phủ, và nhất định không nói đến đảng. Chẳng hạn như trong bài diễn văn của Thủ tướng Kevin Rudd (Đảng Lao động) nhân dịp ngày Quốc khánh Úc năm nay, ông phát biểu: “I begin by acknowledging the first Australians, on whose land we and whose cultures we celebrate as among the oldest continuing cultures in human history.” (Tôi xin mở đầu bằng lời tri ân những người cư dân Úc đầu tiên, cả nước và tất cả các nền văn hóa mà chúng ta đang chào mừng là những nền văn hóa cổ nhất trong lịch sử nhân loại vẫn đang tiếp diễn). Hay nhìn sang bài diễn văn của các lãnh tụ Mỹ (xem hình dưới đây), chúng ta thấy họ không bao giờ nhắc đến đảng của họ, mà chỉ toàn là nation (quốc gia), people (nhân dân), freedom (tự do), v.v…
Tôi tò mò làm thử một so sánh hai bài diễn văn của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhân ngày Quốc khánh 2/9 và diễn văn của ông Obama nhân ngày nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ thì thấy vài khác biệt thú vị:
Trong bài diễn văn 3974 chữ của ông Tổng bí thư, chữ Đảng xuất hiện 64 lần (chiếm 1,6% tổng số chữ), Nhân dân 24 lần, Dân chủ 14 lần, Nhà nước 7 lần, Bác Hồ 3 lần, và Tự do 1 lần.
Bài diễn văn 2423 chữ của ông Obama thì không có một chữ nào dành cho Đảng Dân chủ, nhưng Nation được đề cập nhiều nhất: 18 lần, America 16 lần, people 8 lần, freedom 4 lần, nhưng không có democracy (dân chủ).
So sánh 2 bài diễn văn cho thấy ông Tổng thống Mỹ đặt quốc gia và nhân dân (nation, America và people) lên trên hết, còn bài của bác Mạnh thì Đảng là trên hết, sau đó mới đến nhân dân. Có lẽ những tần số này chính là câu trả lời cho điều bác Hữu Thọ thắc mắc.
Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/noi-them-ve-chup-anh-khau-hieu-tet.html
ĐN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập