Tự do báo chí – nhu cầu tinh thần hiện đại của Việt Nam

Nguyễn khắc Mai

Từ thế kỷ XIV, trong Kê minh thập sách, bà Bích Châu*, một phi hậu của vua Trần Duệ Tông từng nói: “Nguyện cầu trực gián, sử thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai”. Nghìa là “Xin cầu lời nói thẳng, để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở”. Mở cổng thành, nghĩa là để có thông thương đi lại tự do dễ dàng, một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Trong thời hiện đại mở cổng thành chính là làm cho đi lại, giao thương thông thoáng, tự do. Các hiệp định tự do mậu dịch thuộc ý nghĩa này.

Ngôn lộ, nghĩa là đường ngôn luận. Từ bảy, tám trăm năm trước, tổ tiên ta đã có quan niệm khá hiện đại: ngôn lộ. Bấy giờ Bà Bích Châu, chỉ đề cập đến đường ngôn luận rộng mở là nhằm làm cho nhà vua có thể lắng nghe những thỉnh cầu của dân chúng, lắng nghe những lời can gián của quần thần. Điều đó cũng phản ánh một tư tưởng thân dân của đời Trần, khi Thiền sư Phù Vân tâu với vua Trần Thái Tông : "Xin nhà vua lấy ý của thiên hạ (dân) làm ý của mình, lấy lóng thiên hạ làm lòng của mình”. Trong thời kỳ phong kiến, tư tưởng ấy thật nhân văn và tiến bộ.

Ngày nay, chúng ta cần biết bao nhiêu, sự tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ấy, làm cho cổng thành và đường ngôn luận rộng mở. Vì không biết lắng nghe Dân, nghe Trí thức chân chính phản biện, đề xuất, Đảng Cộng sản đã đưa Đất nước ta vào biết bao là rối loạn, khủng hoảng, hết Cải cách ruộng đất đến Cải tạo công thương, Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên  chủ nghĩa xã hội! Luôn khẳng định võ đoán và sai lầm một học thuyết ngoại lai đã phá sản. Đã chủ trương biết bao nhiêu chính sách và kế hoạch khiến cho tài nguyên, tài sản của dân của nước, một phần lớn chui vào túi tham của cán bộ đảng viên cầm quyền, kinh tế hư hỏng, xã hội suy đồi, khoa học và giáo dục lạc hậu, thua kém xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Những lỗi lầm và hư hỏng ấy, những người có trí tuệ đã dự báo, nhưng lãnh đạo đảng vẫn để ngoài tai, hơn nữa lại còn gạt họ ra bên lề xã hội. Đến nỗi với tư tưởng mỵ dân nhưng Hồ Chí Minh cũng phải để lại Di chúc “phải tiến hành một cuộc chiến (tranh) chống lại những hư hỏng cũ kỹ”.

Hiên nay, làm sao để tiếng nói của Dân, của Trí thức được tôn trọng, làm sao để thực hiện được lời của K. Marx: “Dân chủ nghĩa là Chính phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội”. Cả Đảng lãnh đạo, cả Chính phủ cầm quyền, đều phải đặt dưới sự kiểm soát của xã hội. Nhưng nếu không có tự do báo chí thử hỏi làm sao thực hiện nguyên tắc dân chủ đó. Điều thú vị là những tư tưởng hiện đại đó của Mác là khi ông còn đi theo khuynh hướng Hegel mới, còn theo tư tưởng tư sản dân quyền, mãi mấy chục năm sau ông mới theo khuynh hướng cộng sản ảo tưởng và lầm lạc.

Báo chí là sản phẩm tinh thần của thời hiện đại, để xã hội thực hiện quá trình tự giáo dục, đổi mới mình không ngừng, hoàn thiện mình không ngừng, kiếm tìm văn minh và hạnh phúc, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của mình. Ngay trong đảng, từ những ngày đầu, F. Engels đã nêu yêu cầu quyền làm chủ của đảng viên, ông nói “phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi quan chức của mình (ông không gọi là leader, mà gọi là quan chức, bởi họ do toàn đảng bầu ra trả lương để làm việc cho mình), là công bộc (người phục vụ chung), mà quay ra coi họ là đám quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm”. Từ thời đó đến nay, định nghĩa của Engels là hoàn toàn chính xác. Ngay trong đảng báo chí không tự do, nên lũ quan, liêu không bao giờ mắc sai lầm, đã gây không biết bao tội lỗi, tiếp tục lừa dối dân lừa dối đảng viên thường.

Trong xã hội, không có tự do báo chí, nên những thói hư tật xấu của chế độ và chủ nghĩa cứ từ từ lan tỏa, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Chống tham nhũng cũng chỉ đánh từ vai đánh xuống, còn cái gốc của tệ tham những là thể chế, là hệ thống cầm quyền toàn trị không được mổ xẻ, phân tích… làm sao loại trừ được tham nhũng. Đông Kinh Nghĩa thục, một phong trào canh tân đất nước đầu thế kỹ XX nói: Chính phủ chẳng qua cũng là người dân nắm quyền. Ý nói hôm qua họ là dân, đựơc bầu một cái là trở thành nhà cầm quyền. Vậy nếu không có tự do báo chí làm sao xã hội giám sát được họ. Ở điểm này những người cộng sản hành xử như những kẻ lừa mỵ và mâu thuẫn. Họ nêu khẩu hiệu tự do, hạnh phúc, họ nêu khẩu hiệu xây dựng đảng trong sạch, đạo đức. Nhưng họ không muốn có tự do báo chí để nâng cao đạo đức và nhận thức của họ. Nên mọi chuyện rồi chỉ như con kiến leo vào leo ra mà thôi.

Vào thế kỷ XVIII, một thế kỷ Ánh sáng của Nhân loại, để dự báo cho một tiến trình vĩ đại và đầy bất trắc, của thế giới mới, Thánh ALCUIN , nhà triết học, thần học, người được coi như cha đẻ nền giáo dục đại học Anh quốc, có môt câu triết lý thâm thúy:

“Thiên chức của trí thức là: làm ngay ngắn những sai lầm, kiện toàn những đúng đắn và thăng hoa những điều thánh thiện”.

Xã hội ta hiên nay, còn biết bao điều sai lầm cần đính chính, biết bao điều đúng đắn chưa được củng cố vững chắc, biết bao thánh thiện không dược tôn vinh quý trọng và noi theo. Tự do báo chí phải làm điều đó!

Thôi đừng dẫn lời một vị Thánh. Hãy nhắc lại mấy lời của K. Marx, vị tổ sư của mấy người lãnh đạo đáng kính hiện nay của đất nước, để không phải thấy họ thông minh và đức hạnh. Mà là để thấy họ lú lẫn chừng nào. Ông Mác nói:

“Báo chí tự do – đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân gian, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới. Nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó. Báo chí tự do, đó là sự sám hối công khai của nhân dân trước bản thân mình, mà lời thú nhận thật tâm, như mọi người đều biết, thì có cơ cứu rỗi. Báo chí tự do, đó là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình, còn sự tự nhận thức, là điều kiện đầu tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do, đó là tinh thần quốc gia, mà mọi túp nhà tranh đều có thể có được với những chi phí thấp hơn là phương tiện thắp sáng. Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết”.

Ôi, anh Trọng, anh Thưởng, anh Thiện, anh Hùng, anh gì Chủ tịch HĐLLTW, các anh không phải loại mù chữ để đến nỗi không đọc được, nó đã được in trong Mác -Ăng Ghen toàn tập TI, trang 100, NXB CTQG, 1995. Chính các anh là lũ phản đồ (học trò phản phúc), nhắm mắt không nghe lời thầy, để tiếp tục lừa dân hại nước, mà suy cho cùng lại là hại chính cái đảng của mình. Mác nói Ở đâu có báo chí ở dó có tự do báo chí. Các anh không thể mãi mãi đặt vòng kim cô trên dầu của nhân dân được. Dự định đưa đất nước tiến  lên hiện đại với tiêu chí: giàu mạnh, văn minh, dân chủ, công bằng mà để nền báo chí được xếp hạng kém tự do nhất hành tinh (Tổ chức Phóng viên Không biên giới mới đây xếp Việt Nam 176/180 nước có nền báo chí kém tự do nhất. Đó là một hài kịch vĩ đại. Có phải người ta đã dự báo rằng,kết thúc một thời đại để chuyển sang thời đại mới bao giờ cũng bằng bi hài kịch chăng.

N.K.M.

*xem Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và Ngôi đền thiêng bên cửa biển. NXB Phụ nữ, 2015.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tự do báo chí. Bookmark the permalink.