Đôi điều về ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Ông vốn là một nhân viên kế toán. Sau này do năng động, hoạt ngôn cộng những tài năng thiên phú khác ông được thăng chức dần dần, cuối cùng cũng được lên Bộ trưởng.

Ngay khi mới nhậm chức, ông đã tuyên ngôn:

“Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.

Trong quân đội, nếu là Tư lệnh một Quân khu, Quân đoàn hay Quân Binh chủng, quân hàm của Tư lệnh thường là Tướng. Nếu hiểu khái niệm “chiến trường” là “tiền tuyến” là nơi tuyến đầu có nhiều gian khổ, thậm chí giao tranh đổ máu kiểu “em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến” thì không hiểu khái niệm “hậu phương” của chiến trường “ngành” ông để ở đâu, vì chiến trường của ông chính là những con đường, có lẽ để đảm bảo vai trò Tư lệnh của mình mà sau này ông thường xuyên ở ngoài đường. Nhưng việc quân khác với việc quan. Trong việc quân thời xưa, tướng ngoài biên ải khi có trong tay thượng phương bảo kiếm có quyền “tiền trảm hậu tấu”, nhưng tuyệt đối không được trái mệnh triều đình. Thêm nữa là cái quyền đó chỉ tồn tại trong một vài tình huống cấp bách chứ không thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của Thống soái Tổng tư lệnh hoặc Vua. Ông đưa ra khái niệm “tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định” để đánh tráo với khái niệm “tiền trảm hậu tấu”, lấy cái “hữu hạn” để che đậy cho cái “vô hạn” vô hình trung đã tự tạo cho mình một cái quyền định đoạt tất cả mọi thứ trong ngành của mình, một ngành vốn liên quan đến rất nhiều ngành khác. Ông lẩn việc quan vào với việc quân, là QUAN nhưng lại muốn làm QUÂN, từ chức danh Bộ trưởng ông phong cho mình quân hàm của một vị Tướng, là Tư lệnh hẳn một ngành quan trọng, có thể quyết định vận mệnh của CBNV trong ngành và có tác động ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân cả nước.

Ông vùng vằng “phải cho tôi toàn quyền” xong thì bắt tay vào việc. Ông tuyên bố sẽ tập trung giải quyết ba khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông.

Đầu tháng 10/2011: Đề xuất tiêu hủy xe đua.

17/10/2011: Ban hành công văn quy định “các đồng chí lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn”.

Tháng 10/2011: Ban hành công văn ghi rõ: “yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần. Định kỳ báo cáo (trước ngày 25 hàng tháng) tình hình triển khai thực hiện”. Sau đó 2 tháng sau khi đi thử xe buýt công cộng, ông cho biết: “Thực tế, với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”.

Thay đổi giờ làm việc công sở và giờ học, thí điểm tại HN và HCM, trong đó học sinh đi học từ 7h sáng đến 7h tối, áp dụng từ 01/2/2012.

Tháng 11/2011: Đề xuất hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô tô và xe máy. Lập Quỹ bảo trì đường bộ.

Tháng 3/2014 ban hành 12 điều cấm BQLDA và công chức trực thuộc không được làm.

Năm 2014 sau thảm họa sập cầu Chu Va, lập đề án xây dựng 482 cây cầu treo và 3.664 cầu cứng trên cả nước. Trong đó 188 cầu treo sẽ hoàn thành trước tháng 7/2015.

Mùng 2 tháng 9 năm 2014 đu dây xuống vực Sapa chỉ đạo tại chỗ công tác cứu nạn.

Tháng 1/2015 mắng nhà thầu Trung Quốc vì gây tai nạn.

Tháng 4/2015 cấm CBNV uống bia rượu trước và trong giờ làm việc, kể cả hội họp tiếp khách.

Có nhiều đề xuất liên quan đến việc bán các tài sản của nhà nước do ngành quản lý ví dụ bán trụ sở Bộ GTVT, bán đường cao tốc, bán cảng biển, cảng hàng không, …

Đề xuất xây dựng sân bay Long Thành với 100 triệu khách/năm, đầu tư 15,8 tỷ USD.

Có nhiều chuyến đi khắp các con đường trên cả nước, thực hiện nhiều vụ “trảm” nhà thầu, “trảm” cán bộ thuộc Ban Quản lý dưới quyền.

Còn rất nhiều việc ông đã làm được nữa, nhiều không kể xiết.

Càng ngày thấy ông càng nổi tiếng, được lòng dân, càng bảnh bao chải chuốt.

Càng nhìn những việc ông làm càng thấy quyền của ông ghê gớm, bao trùm không chỉ một ngành mà thậm chí còn rất nhiều ngành.

Chỉ có điều những mục tiêu “đột phá chiến lược” trong gần 4 năm qua cũng chưa có gì chuyển biến lớn. Dấu ấn thực sự của ông chỉ nằm ở những cây cầu vượt trong nội thành Hà Nội.

Ông vẫn còn tuổi, vẫn còn cơ hội tiếp tục phát triển đi lên. Nghĩa là ở ông vẫn còn nói được chữ “tương lai”.

Tương lai của ông cũng như tương lai của tôi, đều nằm trong tương lai của đất nước.

Mạnh mẽ, quyết đoán, thậm chí quyết liệt, là những điều người đời nói về ông, nhưng cũng xin ông nhìn lại một chút về quá khứ sau lưng, để thấy rằng không phải quyết định nào của ông đưa ra cũng là hợp lý. Tất nhiên, sai thì sửa, nhưng cũng có những cái không bao giờ có cơ hội để sửa chữa. Ông hãy là một vị quan thanh liêm trị dân trị nước chứ đừng nên là một quân nhân, nữa là một vị tướng, một vị Tư lệnh, vì hình như ông không hiểu hết sự “nhanh – chậm” ở cuộc đời.

Ông cũng không hiểu hết rằng sự tiến hay lùi, nhanh hay chậm của một vị tướng là những việc phải được cân nhắc kỹ càng, vì liên quan đến sinh mạng của cả đạo quân, liên quan đến cục diện chiến trường, chứ không chỉ là việc phải “xin phép thủ trưởng”.

Dẫu gì, tôi vẫn tin ông còn có tương lai.

Tháng 3/2015

M.L. 

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in giao thông. Bookmark the permalink.