“Công trình trọng điểm quốc gia” là các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, là hạt nhân tạo tiền đề để đột phá… được ưu tiên ở mức (tầm) quốc gia.
Các công trình trọng điểm quốc gia mặc dù rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhưng vẫn phải đặt vấn đề nên tạm dừng đầu tư là bởi vì:
1. Sự thất thoát trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản ở Việt Nam là quá lớn, thường là từ 15-40% (tùy theo ngành, lĩnh vực). Mức sống và thu nhập của Việt Nam là rất thấp so với Mỹ (chỉ bằng một phần năm, đến một phần mười), nhưng giá thành công trình ở Việt Nam nhiều khi lại lớn hơn ở Mỹ, đó là điều cực kỳ phi lý. Chỉ có tham nhũng lớn mới để xảy ra như vậy. Câu nói của bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước: “người ta “ăn” của dân không từ một cái gì” (1) đã trở thành nổi tiếng, phản ánh thực trạng cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 21. Ta dễ dàng nhận thấy, từ bộ ngành Trung ương đến các địa phương (tỉnh, sở, huyện), một người sau khi “chạy” được chức, thì nắm (phụ trách) ngay lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (đầu tư xây dựng công trình, đầu tư trang thiết bị cho ngành, lĩnh vực; thậm chí kể cả lĩnh vực đầu tư cho nghiên cứu khoa học…). Bởi vì, đó là những vị trí sẽ mang lại biệt thự, xe hơi, tiền gửi ở nước ngoài…
2. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, để lại khoản nợ cho con cháu mai sau (hiện nay nghe đâu, nợ nước ngoài của Việt Nam cỡ khoảng 100-120 tỷ đô la, gần bằng GDP, và vẫn đang là bí mật?!), sự thất thoát đó làm cho chất lượng công trình không đảm bảo, tuổi thọ công trình ngắn; thay vì sử dụng 100 năm, hay vĩnh cửu, thì có khi chỉ dùng được 15-30 năm (vô hình trung đắt gấp 3-5 lần so với bình thường). Chất lượng công trình thấp còn gây thiệt hại về người, về môi trường… khi có sự cố xảy ra (sự cố sập cầu treo Chu Va ở Lai Châu mới đây là ví dụ, mặc dù đây là công trình nhỏ, vốn đầu tư chỉ vài ba tỷ đồng). Các nhà khoa học Việt Nam phản đối đầu tư nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận, có lẽ chủ yếu từ lo lắng cho vấn đề này, hơn là về kỹ thuật và nguồn vốn.
Dễ dàng tìm kiếm những thông tin qua mạng Internet về những công trình có chất lượng thấp. Sau đây là vài ví dụ điển hình:
Những vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) đang khiến dư luận quan tâm về chất lượng xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt sau sự cố sập cầu treo Chu Va ở Lai Châu. Nguồn ảnh: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tinh-trang-nut-tru-cau-vinh-tuy-pgsts-nguyen-van-hung-khong-loai-tru-kha-nang-cot-thep-bi-an-mon-184233.bld
Vết lún, nứt rộng khoảng 5-6 cm và sâu 20 cm tại km9 +780, đại lộ Thăng Long, công trình được xem là dài và hiện đại nhất Việt Nam, là công trình được đầu tư nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nguồn ảnh: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/xuat-hien-lun-nut-tren-dai-lo-dai-nhat-viet-nam-2191274.html
3. Việt Nam hiện nay, đang trong giai đoạn có thể gọi là “vô chính phủ”; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, lợi ích phe nhóm cục bộ; tranh thủ, cơ hội bất chấp pháp luật… đang rất phổ biến. Rất dễ núp bóng công trình trọng điểm, nhưng thực tế chỉ là lợi ích phe nhóm… Sự kiện ông Trần Văn Truyền bổ nhiệm 60 cán bộ ở “phút 89” là ví dụ (2); Việc đầu tư công trình mang tính trọng điểm, đôi khi chỉ là việc “chạy dự án” để ăn chia bất chấp hiệu quả của ngành, địa phương. Đầu tư khai thác bôxít tại Tây Nguyên, việc chọn sai vị trí đối với Khu lọc dầu Dung Quất là các ví dụ điển hình. Sự mất mát, thất thoát chưa đo đếm được.
Đến bây giờ, cũng chưa thấy có một ngành nào thử điều tra xem, có công trình trọng điểm nào mà lãng phí, không hiệu quả hay chưa? (Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tuyến Đại lộ Thăng Long hay đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, có khi lại nằm trong số này?).
4. Không hiểu với lý do nào, đã hơn chục năm nay, hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia của Việt Nam đều do Trung Quốc trúng thầu. Hậu quả của nó thì ai cũng đã nhận ra; sau đây là dẫn chứng báo động cho trình trạng này từ mấy năm nay (3):
“Tại hội thảo người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra ngày 6/8 (2010), bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội đưa ra con số khiến nhiều người giật mình. Theo bà Loan, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.
Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét riêng về điện, đã có nhiều dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD, điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD, điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD…”.
Với những bất cập như trên, lại đang “đã đến mức phải vay để chi tiêu, vay để trả nợ” (4), thì việc tạm dừng, không triển khai tất cả các công trình trọng điểm quốc gia là cần thiết.
N. H. Q.
Bài tham khảo:
(1) Phó Chủ tịch nước: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì”
http://dantri.com.vn/xa-hoi/pho-chu-tich-nuoc-nguoi-ta-an-cua-dan-khong-tu-cai-gi-777758.htm
(2) Ông Truyền bổ nhiệm 60 cán bộ ở ‘phút 89’: ĐBQH nói gì?
http://news.go.vn/xa-hoi/tin-1687726/ong-truyen-bo-nhiem-60-can-bo-o-phut-89-dbqh-noi-gi.htm
(3) Người Trung Quốc nắm nhiều dự án trọng điểm của VN
(4) Đã đến mức phải vay để chi tiêu, vay để trả nợ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.