Thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ thấp, nguyên nhân do đâu?

Nhóm PV báo Lao động

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, hôm nay (5.11), Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Vấn đề liên quan tới ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin cho nhân dân được nhiều cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm.

clip_image002

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Tránh để tẩu tán tài sản

Những nỗ lực trong trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản và quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được quốc tế đánh giá rất cao.

Ngày 25.1.2022, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, theo đó Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).

Đây là là số liệu được được nêu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC.

Trước phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ hôm nay (5.11), vấn đề liên quan tới ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin cho nhân dân được nhiều cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế – cho rằng, thời gian qua, công tác PCTN,TC nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri.

Trong đó, việc xử lý nghiêm và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều người.

“Thanh tra để làm rõ người, rõ việc, phát hiện các vi phạm có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, giáo dục các tổ chức, cá nhân khác. Việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm góp phần rất lớn vào công tác PCTN” – đại biểu Sửu đánh giá.

Theo đại biểu Sửu, thời gian qua kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của người dân.

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt hơn để chống thất thoát tài sản do tham nhũng mà có.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng thông tin, nhiều cử tri phản ánh các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin cho nhân dân cũng rất cần những thông tin, trả lời từ Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt lý giải những nguyên nhân vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp.

Theo đại biểu Hạ, một trong những bài học thời gian tới trong công tác PCTN,TC đó là cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức.

Các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài.

Đồng thời đẩy mạnh việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”. 

Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỉ lệ thấp?

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2022, qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỉ đồng, 8.093,7 ha đất.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng của thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp.

Thứ nhất là một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.

Thứ hai là số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; Có những trường hợp cố ý chây ì hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.

Thứ ba, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.

Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán ….

Thứ năm, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi; trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn; việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Laodong.vn

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.