Một tỉ lệ buồn, rất buồn khi “chỉ có 19% số người trả lời khảo sát hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước”.
Đây là con số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố trong một báo cáo có hai chữ “cảm nhận” của người dân về thị trường.
19% hài lòng, có nghĩa là 81% chưa hài lòng. 19% lạc quan, có nghĩa là đa số không lạc quan.
Nếu đây là những con số phản ánh chính xác cảm nhận và niềm tin của dân như cuộc khảo sát do MasterCard Worldwide tiến hành năm ngoái, thì rất rõ là đang có một sự trái ngược, nếu như không nói là suy giảm. Năm ngoái, MasterCard Worldwide kết luận sau một cuộc khảo sát rằng Việt Nam nằm trong 6 quốc gia có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao nhất khu vực.
Đã đành là mỗi cuộc khảo sát có những tiêu chí riêng. Nhưng sự lạc quan, hay hài lòng trước cuộc sống thì chỉ có một mà thôi.
Nhưng rất khó để có thể nói tới sự lạc quan.
Chẳng hạn, dù cho rằng phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh bởi các quy định của Nhà nước, nhưng chỉ có 47% đánh giá là hiệu quả.
Chẳng hạn tiếng là kinh tế thị trường, nhưng cạnh tranh, yếu tố đặc trưng để có thể giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ, sản phẩm thì hình như vẫn ở… tương lai. Trong khi hiện tại là nỗi bức xúc trước sự thiếu minh bạch của giá cả các loại hàng hóa đầu vào quan trọng nhất.
Không lạ khi đa số cho rằng mức độ đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước lớn vào nền kinh tế là hạn chế.
Và đáng buồn, là người dân đang rất thiếu tin tưởng vào tính minh bạch trong hoạch định và thực thi chính sách với chỉ 15% đánh giá là “minh bạch” – hay là “mức độ minh bạch suốt 3 năm qua hầu như là không có sự cải thiện”.
Điểm lạc quan từ tỉ lệ 19% rất đáng bi quan này, nếu có, thì là việc người dân đã bày tỏ chính kiến, đã trung thực với chính mình. Hoặc ít nhất, họ vẫn xứng danh những người dân lạc quan nhất thế giới khi đứng ở hiện tại, vẫn có tới 63% tin tưởng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sự lạc quan, niềm tin, xét cho cùng là một thứ tài nguyên vô giá và hoàn toàn có thể trở thành một nguồn lực quan trọng nếu như “con mắt dân”, “cảm nhận của dân” hôm nay được chú ý, được đề cao và trở thành mục tiêu của các chính sách trước nay vẫn nói là vì dân.
Đ. T.
Nguồn: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/con-mat-dan-357292.bld