Anh hùng rơm, tư duy “trẻ trâu” và sự chuyển… trách nhiệm

Trên bảo dưới không nghe?

Không ngờ Thủ tướng mới viết một bài về internet(1) với một ý kiến đáng chú ý. Trong bài viết, ông kêu gọi công dân nên sử dụng internet một cách có trách nhiệm bằng cách đưa thông tin, hình ảnh, dữ liệu có trách nhiệm cao. Ông còn kêu gọi cư dân mạng “hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam”. Nghe thật hay. Thế nhưng những gì xảy ra trong thực tế ở An Giang và vài nơi khác thì lại không theo những lời khuyên của ngài Thủ tướng. Giống như tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Câu chuyện ở An Giang thì chắc các bạn đã biết rồi. Cô giáo Thuỳ Trang chỉ vì chia sẻ một bản tin về vụ ông Chủ tịch tỉnh bị kiểm điểm và kèm theo lời nhận xét “kênh kiệu” mà bị phạt 5 triệu đồng. Càng vô lí hơn khi người ta vào đó nhấn nút “Like” mà cũng bị phạt! Nói theo cách viết của ngài Thủ tướng, cô Thuỳ Trang chỉ “đưa thông tin” và có trách nhiệm công dân là đưa ra nhận xét. Ấy vậy mà cô ấy bị phạt.

Đọc qua những gì ông Chủ tịch tỉnh này trả lời trên báo chí thì có thể thấy ông là người rất cố chấp và cao ngạo. Ông tuyên bố rằng “Tôi sẵn sàng tha thứ để họ sửa sai”(2). Tôi phải hỏi: Ai sai? Chính ông mới là sai. Vậy mà ông dám trịch thượng nói lời “tha thứ”! Thật là quan chức đời nay hành xử như cha mẹ dân. Ông phớt lờ tất cả những lời khuyên của các bậc tiền bối của tỉnh. Chị Kỳ Duyên dùng chữ “tư duy trẻ trâu”(3) cho cách hành xử của ông quả là chính xác. Ông có ngon lành thì phạt Kỳ Duyên xem sao. Một người như vậy mà đứng đầu một tỉnh lớn thì đủ biết qui trình “qui hoạch” cán bộ là có vấn đề.

Tinh thần dầu khí

Quay lại lời khuyên của Thủ tướng về việc đưa thông tin có trách nhiệm cao, chúng ta thử xem cái tin “Luật sư Trần Vũ Hải ‘trốn’ sang Mỹ?” của báo Petrotimes(4). Đây là một bản tin rất sai, rất bậy, vì ông Trần Vũ Hải chỉ ở cách văn phòng Petrotimes có 100 mét, chứ chẳng có đi đâu cả. Dùng chữ “trốn” còn là một cách hạ nhục vị Luật sư. Bài đó hình như đã rút xuống và thay vào một bài khác. Thành ra, một điều nực cười khác là khi bạn nhấn vào đường dẫn http://petrotimes.vn/luat-su-tran-vu-hai-tron-sang-my-352006.html thì lại hiện ra một bài có tựa đề “Sở QH-KT Hà Nội ‘bảo kê’ sai phạm ở tòa nhà Thăng Long – Yên Hòa?” tức chẳng ăn nhằm gì đến đường dẫn! Đây là một trường hợp tiêu biểu về việc đưa tin chẳng có trách nhiệm. Lại một minh hoạ cho hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.

Có một khẩu hiệu rất thú vị về triết lí làm báo của Petrotimes. Khi ông Trần Vũ Hải đến văn phòng Petrotimes để minh bạch về thông tin, ai đó có chụp một bức hình trên tường với dòng chữ: “Hãy làm báo với tinh thần Dầu khí” (chữ “Dầu” viết hoa nữa chứ) và một câu rất vần vè: “Tin không được dài, bài phải sâu sắc”. Thú thật, tôi không biết “tinh thần Dầu khí” là gì mà nó làm nguyên lí dẫn đường của một tờ báo. Tinh thần lợi ích nhóm hay gì? Bạn nào biết xin chỉ giúp.

====

(1) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Vi-mot-moi-truong-Internet-tinh-khiet-va-trong-sach/241782.vgp

(2) http://phapluattp.vn/ban-doc/chu-tich-an-giang-toi-san-sang-tha-thu-de-ho-sua-sai-592387.html

(3) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/274479/anh-hung-rom–tu-duy–tre-trau–va-su-chuyen–trach-nhiem.html

(4) http://petrotimes.vn/luat-su-tran-vu-hai-tron-sang-my-352006.html

Hình lấy từ trang anhbasam.wordpress.com

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1515945542051900

 

  Đến bao giờ, cung cách quản lý bớt đi các kiểu tư duy “trẻ trâu’?

Sự phát triển Internet là bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người, mở ra cửa sổ thông tin cho tất cả các quốc gia, cộng đồng, đến tận từng người dân, nếu có trình độ IT nhất định, tạo nên sự hiểu biết, tương tác lẫn nhau ở …. hai đầu thế giới. Và nhất là thông qua Facebook, mạng xã hội “thời thượng” hiện nay, kết nối hàng tỷ con người trên thế giới với những niềm vui nỗi buồn, xẻ chia hạnh phúc cùng khổ đau, bất hạnh.

“Trẻ trâu” và tư duy “trẻ trâu”

Điều thú vị ở chỗ này, FB tuy là mạng ảo, nhưng lại phản ánh thật nhất tầm tư duy, phông văn hóa, chất người mỗi cá nhân. Người ta thường nói văn học là nhân học. Nhưng thời đại IT, thì chả cần đến văn học, chỉ cần một vài dòng trên FB cũng có thể hiểu “nhân học” đó đứng ở đâu.

Chính vì thế, trong tuần này, có hai vụ việc liên quan đến FB, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Nơi này phẫn nộ bất bình, nơi kia cười mỉa, bi hài đến độ cư dân mạng đến giờ vẫn còn đàm tiếu.

Mà không phẫn nộ bất bình sao được trước vụ việc vô duyên này. Giữa lúc cả thế giới nói chung, người Việt Nam nói riêng đều phẫn nộ trước tội ác của quân khủng bố IS khiến gần 130 người dân vô tội ở Paris thiệt mạng, chia sẻ đau thương với nước Pháp bằng nhiều cách khác nhau. Mới đây, St Denis, một vùng ngoại ô phía bắc Paris, nơi có sân vận động Stade de France, một điểm bị khủng bố tối ngày 13/11 vừa qua, vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu súng dữ dội truy lùng nghi phạm thứ 09 trong vụ tấn công Paris.

Khủng bố đâu phải trò đùa!

Vậy mà trên mạng, bỗng xuất hiện hàng loạt trang FB mang tên Timur Zhunusov, người được cho là một thành viên của IS, với rất nhiều lời chửi bới vô văn hoá của người Việt. Một số người Việt còn để lại cả những dòng bình luận mang tính thách thức IS tấn công khủng bố vào VN, khiến cho cư dân mạng hoang mang và phẫn nộ.

Nhưng cũng rất nhanh chóng, những trang này bị chính cư dân mạng phát giác là giả mạo, do một số người Việt lập ra. Nói theo ngôn ngữ dân mạng là loại “trẻ trâu”, để câu like và đùa cợt. Khỏi phải nói sự bất bình của cư dân mạng, trước việc làm ngông cuồng, anh hùng rơm và nông nổi của những kẻ nào đó thích đổ dầu vào lửa, bỡn cợt trên nỗi lo âu của cộng đồng.

Chỉ đến khi bị dư luận XH nghiêm khắc lên án, nhất là khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thì các “trẻ trâu” này vội vã xóa trang. Một trang mạng đã bình rất chính xác về vụ việc lố bịch này, rằng, đó là một trò đùa rất phản cảm, và tàn nhẫn trong thời điểm này.

Đúng là rất tàn nhẫn, bởi trong lúc nhân loại đang chia sẻ nỗi đau và tai họa của một quốc gia, một số “trẻ trâu” nước Việt đùa cười và diễn trò anh hùng rơm với những kẻ khủng bố. Anh hùng rơm, bởi dư luận XH còn chưa quên cách đây ít lâu, cư dân mạng đã xôn xao, và cũng xấu hổ cho việc có những “trẻ trâu” công khai bày cho nhau trên mạng cách trốn đi bộ đội như thế nào.

Rất phản cảm, và cả vô văn hóa nữa, bởi trước tai họa của đồng loại, thì một thái độ hiểu biết là nên chia sẻ, chứ không phải đùa cợt nhảm nhí.

Được biết mới đây Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm việc sử dụng mạng xã hội khiêu khích khủng bố.

Dân gian có câu: Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng (commnet) vạ ra.

Chưa hết, một vụ việc vạ … comment khác lại xảy ra.

Trên mạng XH lại ồn ĩ và đàm tiếu đến tận giờ. Nghe chuyện ai nấy bật cười, còn người viết bài thì nghĩ, nói cho công bằng, nó cũng giông giống chuyện “trẻ trâu”.

“Trẻ trâu” vì nó hơi chấp nhặt, quá nhỏ mọn, không người lớn. Còn cách xử lý thì khiến cho dư luận XH không hề tâm phục khẩu phục.

Đó là chuyện liên quan đến tỉnh An Giang. Theo báo Đất Việt, ngày 15/11, bà Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên- TP Long Xuyên),  đọc thông tin trên 01 tờ báo mạng có nội dung, rằng CP đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Trời xui đất khiến thế nào, bà Trang đưa lên FB cá nhân, rồi bình luận chê bai gương mặt ông CT tỉnh: Ông CT này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời CT An Giang.

Dĩ nhiên đã có lời bình, phải có comment tiền hô hậu ủng. “Hậu ủng” thì có nhiều người, nhưng trong đó có ông Nguyễn Huy Phúc – nhân viên Điện lực và bà Phan Thị Kim Nga – Phó Văn phòng Sở Công thương (đều là công dân thuộc tỉnh An Giang).

Rút cục, cái vạ comment rất bất ngờ: Hai người, bà Lê Thị Thùy Trang, ông Nguyễn Huy Phúc, bị phạt mỗi người 05 triệu đồng, do cả 02 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Bà Phan Thị Kim Nga bị nhắc nhở.

Dư luận XH được phen ồn ào với đủ lời đàm tiếu, có những đàm tiếu còn buồn cười và khó chịu hơn cả…. nhìn cái mặt kênh kiệu.

Thật ra, nói xấu là một cá tính mang tính bản năng đồng hành cùng con người, phát triển hoặc được chế ngự tùy thuộc phông văn hóa cá nhân, và cả môi trường cộng đồng nơi con người sinh sống, an lành, văn minh hay ngược lại, nghèo khó và bất ổn.

Người viết không rõ, 03 công dân An Giang này có bôi bác gì nữa không để xúc phạm ông Chủ tịch tỉnh. Nếu họ thực sự xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín của ông CT tỉnh, thì việc xử lý là xác đáng. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào câu nói chê bai cái mặt kênh kiệu, thì ở đây, dường như có một chút suy diễn quá xa…

Cụm từ cái mặt kênh kiệu, để chỉ hình thức. Nó thuộc về quan niệm xấu đẹp tùy tiêu chí thẩm mỹ của con người, ở đây, tùy thuộc thẩm mỹ của bà Trang. Dĩ nhiên chê người khác về hình thức là không tế nhị, nhất lại là quan chức đầu tỉnh. Nó phản chiếu “văn hóa” ngồi lê đôi mách thường tình, nhất là ở một cô giáo THPT thì càng dở.

Nhưng nếu đọc tiếp vế hai – xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang, thì đó là sự phê bình thẳng thắn tác phong một cán bộ lãnh đạo tỉnh, mà nếu là người cầu thị, ông Chủ tịch tỉnh An Giang nên giật mình nhìn lại phong cách lãnh đạo của bản thân. Và vì vậy, ở phương diện nào đó, ông nên biết cảm ơn một lời nói thẳng, dẫu trong lòng không vui. Chứ không phải là “chấp nhặt’, tự ái vì hình thức bị chê xấu, dẫn đến sự trừng phạt.

Có rất nhiều lời bình trên các trang mạng XH, mỗi lời bình một vẻ mười phân buồn cười. Nhưng người viết tâm đắc nhất comment của một quan chức của CP trên FB: Nhớ năm xưa, có người Nga hỏi Reagan (Tổng thống Mỹ), ông sẽ làm gì khi có người chửi ông. Reagan cười và trả lời, tôi chả làm gì họ cả. Chửi tôi là việc của họ, còn làm Tổng thống là việc của tôi!

Một câu trả lời có tầm tư duy chính trị và bản lĩnh cao thủ quá.

Còn nếu như chỉ vì một lời chê của các “con dân bé mọn”, mà phạt tiền, kỷ luật, thì có lẽ lời bình của bà Trang có lý. Ông Chủ tịch An Giang quá kênh kiệu, xa lạ với dân, chấp nhất nhỏ mọn với… đàn bà, dù nhân danh gì gì đi nữa

Trước nhân gian, ông mất nhiều hơn được!

Trách nhiệm và chuyển…. trách nhiệm

Sự phát triển của kinh tế trường, cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển nước Việt. Nhờ đó, mà đất nước – khi mới bước vào đổi mới, năm 1986, từng có lúc được thế giới chú ý, dự báo “hóa rồng”. Chỉ tiếc rằng, dự báo đó chưa thành sự thật, cửa “vũ môn” có vẻ hãy còn xa. Đến thời điểm này, gần 30 năm sau, con tàu nước Việt vẫn loay hoay nhúc nhắc trên đường ray kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tại kỳ họp QH lần này, một vấn đề đưa ra khiến không chỉ dư luận XH suy nghĩ, mà ngay chính các ĐBQH cũng khó chấp nhận. Bởi sự vô lý và thiếu công bằng.

Đó là chủ trương xóa hơn 1000 tỷ đồng nợ thuế cho hơn 250 doanh nghiệp nhà nước, thành phần kinh tế vốn được coi là chủ đạo, khi bàn tới Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn báo cáo của CP cho biết, việc xóa nợ thuế áp dụng với 03 nhóm DNNN.

Sự ưu đãi với các DNNN hóa ra không chỉ trong môi trường kinh doanh, hỗ trợ các điều kiện về hạ tầng cơ sở, đất đai, nguồn tài chính, mà còn ưu đãi ngay cả khi ăn không nên làm không ra, phải gấp gáp cổ phần hóa, trong hoàn cảnh nợ đầm nợ đìa.

Tư duy quản lý kinh tế kiểu đó, đặt trong thời cuộc hội nhập, vô tình sẽ là một cản ngại cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nói chung, của môi trường kinh doanh nói riêng, tất sẽ dẫn đến những hệ lụy không lành mạnh khác.

Chính vì thế, tại nghị trường, ý kiến các ĐBQH khá thẳng thắn khi cho rằng điều này không bình đẳng với những thành phần kinh tế khác, tạo tâm lý chây ỳ cổ phần hóa và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Khi họ cho rằng, nếu làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực mà được xóa nợ là khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả. Trong trường hợp cổ phần hóa thì phải kế thừa nhiệm vụ quyền và trách nhiệm, trong đó có trả nợ thuế. Không thể để tình trạng “lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước gánh chịu”. Trước Hiến pháp, pháp luật, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế (theo Dân trí, ngày 14/11).

Còn người viết bài cho rằng, nếu như xóa nợ cho các DNNN thì lỗ cũng không phải Nhà nước gánh chịu, mà chính là người dân phải gánh chịu, bởi dân sẽ phải tiếp tục đóng thuế bù cho khoản hơn 1000 tỷ đồng thua lỗ. Việc chuyển… trách nhiệm từ các DNNN sang người dân là thêm một sự thiếu sòng phẳng, thiếu công bằng nữa. Sự “chiều chuộng” đó chỉ khiến các DNNN không thấy rõ yếu kém và trách nhiệm của mình, sẽ khó tạo ra động lực làm việc cho tất thảy các thành phần kinh tế còn lại, cho cộng đồng, khi mọi giá trị hay – dở, tốt – xấu, mạnh – yếu đều bị xóa nhòa. Đó cũng chính là điều cần tránh nhất của mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói để đời: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng!

Nhưng quan trọng hơn, nhiều nhà kinh tế, quản lý nhà nước tại Diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã nhận định, tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Người Việt thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai, ba chục năm nay. Có những khái niệm như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước (TBKTSG, 19/11).

Cũng không phải chỉ ở tầm vĩ mô, quản lý kinh tế mới có sự chuyển… trách nhiệm, mà ngay ở tầm vi mô, quản lý ngành – cũng vậy.

Nó liên quan đến phát ngôn ấn tượng của ĐBQH Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch trong phiên chất vấn của QH tại chiều 17/11. Một phát ngôn hài hước khiến dư luận XH những ngày này còn thi nhau đàm tiếu.

Đó là khi ĐBQH Phạm Thị Hải (Đồng Nai) chất vấn về ngành du lịch VN đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn gây bức xúc cho khách du lịch, nhất là người nước ngoài, là du lịch VN không chỉ thua kém Thái Lan, mà còn thua kém với ngay cả Lào, Campuchia.

Thật ra vấn đề ĐBQH Phạm Thị Hải đặt ra không bất ngờ. Báo chí, các cơ quan truyền thông đã từng viết rất nhiều về sự non kém của du lịch VN, dẫn đến hiện tượng khách du lịch bước chân đi cấm kỳ trở lại.

Hãy sang Campuchia, đến thăm Ang kor Wat (tiếng Việt cổ gọi là Đế Thiên), Ang kor Thom (Đế Thích) thuộc Siem Reap, gọi chung là Ang kor (Đế Thiên Đế Thích), để hiểu người CPC đã biết làm du lịch văn minh và khôn ngoan thế nào. Để hiểu họ biết cách bảo vệ những di sản văn hóa đồ sộ của ông cha họ ra sao. Nhất là bảo vệ cả những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, bát ngát, cực kỳ sạch sẽ, có những cây đại thụ sù sì, che chở cho những đền đài tuyệt tác sự bình yên. Để so sánh với ngay Hồ Gươm của chúng ta thôi, lúc nào cũng xe máy, hàng rong, bụi rác ngay cả ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Không bất ngờ, bởi trước đó, tháng 9/2015, thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2015 cho thấy so với một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Singapore, chỉ số cạnh tranh về du lịch VN thấp, chỉ đạt 3,6 điểm, trong khi Indonesia đạt 4,04 điểm, Singapore đạt 4,96 điểm.

Trả lời câu hỏi “Vì sao du lịch VN thua các nước” của báo Pháp luật TP HCM, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận xét, có rất nhiều nguyên nhân, mỗi thứ một tý, nhưng “chặt chém” là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh VN nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế, có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại VN của họ.

Chao ôi, vẫn là thứ tư duy “trẻ trâu”, mì ăn liền, trong khi quản lý du lịch thì dường như bất lực anh đến, anh không đến… (xin mượn ca từ trong bài Đợi của Huy Thục)

Nhưng rất bất ngờ khi ông Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vừa hồn nhiên vừa thẳng thừng: Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Với tư cách là người đứng đầu ngành VH-TT-DL, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu thì tôi xin chịu trách nhiệm; và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”.

Bộ trưởng hỏi lại QH? Quốc hội biết hỏi ai bây giờ!

Chỉ biết sau câu trả lời “chuyển trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp”, cả nghị trường cười rộ.

Còn người dân cũng cười. Nửa cười nửa mếu vì cái… trách nhiệm của một ông Bộ trưởng!

Và vào lúc XH còn đang ồn ào, thì khi được báo Lao động (ngày 18/11) phỏng vấn tiếp, ông Hoàng Tuấn Anh còn phát ngôn ấn tượng hơn: Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu QH.

Ô, QH là nơi bàn việc nước, đâu để phải nơi cho Bộ trưởng … giảm stress?

Người viết bài chỉ tự hỏi: Đến bao giờ, cung cách quản lý nước Việt “chín chắn” hơn nhỉ ?

K.D.

Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/274479/anh-hung-rom–tu-duy–tre-trau–va-su-chuyen–trach-nhiem.html

Phụ lục

Một kiểu phạt mất nhân tâm

Nguyễn Văn Tuấn

Chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh. Ảnh: Chinhphu

Nhân ngày 20/11 này (*), có lẽ nên dành vài dòng để nói về sự kiện một cô giáo ở An Giang bị phạt 5 triệu đồng chỉ vì chị ấy viết ra cảm nhận cá nhân (trên facebook) về thái độ của ông Chủ tịch tỉnh (1). Sự kiện chỉ làm cho cái khoảng cách giữa quan và dân ngày càng xa hơn. Ngân sách vốn đã èo uột của Nhà nước có thể giàu thêm 10 triệu, và ông Chủ tịch có thể hả dạ vì thắng cuộc, nhưng cái hố căm ghét đã được đào sâu thêm. Và, phe thắng cuộc của ông chỉ thất bại trong việc thu phục nhân tâm.

Câu chuyện thật là lí thú (và cũng dễ giận), nhưng vì báo chí viết lung tung, nên rất khó hiểu đầu đuôi ra sao. Tôi phải tự sắp xếp lại dữ kiện cho dễ hiểu, trước là cho tôi, sau là chia sẻ cùng các bạn:

  • Ông Chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh bị kiểm điểm vì yếu kém trong công việc;
  • Cô giáo Thuỳ Trang viết trên fb nhận xét về ông Chủ tịch như sau: “Ông Chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời Chủ tịch An Giang” (2);
  • Ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc là nhân viên điện lực vào fb nhấn nút “Like” cái note của cô Thuỳ Trang;
  • Thế là bà Thuỳ Trang và ông Huy Phúc bị công an phạt. Mỗi người bị phạt 5 triệu đồng, vì tội “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”,

Nhưng một sự thật khác còn thú vị hơn và có thể liên quan hơn là nhà ông Chủ tịch và nhà ba má ông Huy Phúc là kề cạnh nhau. Nhà ông Chủ tịch là nhà cao tầng (4 tầng), còn nhà ba má ông Huy Phúc thì thấp hơn (2 tầng). Thời gian ông Chủ tịch xây nhà làm hư hại và nứt tường nhà của ba má ông Huy Phúc, nhưng họ chẳng bồi thường gì cả, dù biên bản ghi rõ là ông Chủ tịch có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Huy Phúc. Ngoài ra, bên nhà ông Chủ tịch còn gây ra vài phiền toái cho láng giềng, nhưng ba má ông Huy Phúc thì không dám phàn nàn ông Chủ tịch (có lẽ vì sợ).

Câu chuyện là như thế. Phải nói là câu chuyện nghe qua có phần giống như kẻ bị trị, bị áp bức, phải sống và chấp nhận thân phận nhược tiểu trước giai cấp cai trị. Nó có cái motif của truyện Nguyễn Công Hoan, và phần nào đó motif của vở cải lương Lá sầu riêng (mà trong đó con của tá điền phải lạy lục xin lỗi chủ điền). Nhưng sự việc đặt ra nhiều câu hỏi làm chúng ta phải suy nghĩ về xã hội ngày nay.

Thứ nhất là cái gọi là “xúc phạm”. Tôi tự hỏi cái nhận xét “kênh kiệu, xa lánh dân” của cô giáo Thuỳ Trang có phải là “xúc phạm uy tín, danh dự” của ông Chủ tịch? Khách quan mà nói, tôi chẳng thấy câu đó xúc phạm gì cả. Nếu cô Thuỳ Trang nói ông Chủ tịch là tham nhũng hay ăn chặn thì may ra có thể xem là xúc phạm. Còn ở đây, lời nhận xét đó chỉ là một nhận xét về thái độ và phong cách lãnh đạo, và nhận xét đó hoàn toàn mang tính cá nhân. Như thế thì không thể nói là xúc phạm danh dự được. Nên nhớ rằng ông Chủ tịch đã bị tổ chức đảng khiển trách vì làm không tốt việc. Cộng thêm những xích mích với người láng giềng, cho thấy có lẽ nhận xét cá nhân của cô Thuỳ Trang không phải là cái gì quá đáng hay thiếu cơ sở.

Thật ra, cái nhận xét “kênh kiệu” mà đối chiếu với những gì các vị lãnh đạo và trí thức viết về đối thủ chính trị trên báo, thì quả thật câu nhận xét đó … quá hiền. Trong một thời gian dài, những người trong hệ thống tuyên truyền ngoài Bắc gọi những đối thủ chính trị trong Nam bằng “thằng” (thằng Thiệu, thằng Diệm), và dùng những lời chửi thô tục ngay trên mặt báo. Cho đến nay, họ vẫn thỉnh thoảng gọi các sĩ quan và viên chức trong Nam trước 1975 là “nguỵ”. Đó mới là xúc phạm, nhưng chắc những người viết như thế không thấy xúc phạm (và người bị gọi như thế cũng chỉ mỉm cười). Ấy thế mà ông Chủ tịch cảm thấy xúc phạm khi có người nhận xét là kênh kiệu và xa lánh quần chúng! Thật trớ trêu!

Thứ hai là cái vị thế và giai cấp của ông Chủ tịch. Tôi tự hỏi nếu người mà cô Thuỳ Trang nhận xét không phải là ông Chủ tịch, mà là một thường dân, thì có xảy ra vụ phạt hay không? Có lẽ là không, vì trong cái xã hội mà 9 người thì đã có 10 ý, chẳng ai quan tâm đến việc người ta nhận xét tốt hay xấu về mình. Một người làm đến chức Chủ tịch tỉnh, tức là người của công chúng mà không có khả năng chịu đựng một nhận xét cá nhân, thì phải nói đó là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng (lack of confidence). Vì thiếu tin tưởng, nên mới dùng biện pháp công an để làm khó người ta.

Ở đây còn có vai trò của công an. Ông Chủ tịch chối là ông không có chỉ thị cho công an phạt cô Thuỳ Trang và ông Huy Phúc. Nhưng hình như khẳng định của ông không được mấy người thấy thuyết phục. Nếu người bị nhận xét tiêu cực không đến than phiền với công an thì làm gì có chuyện công an đến phạt tiền. Tương tự, nếu ông Chủ tịch không phàn nàn hay nói [cho] công an biết, thì có lẽ công an chẳng phạt cô Thuỳ Trang. Do đó, ông Chủ tịch chối rằng ông không có chỉ đạo cho công an thì rất khó thuyết phục dân chúng. Trong cái nhìn của dân chúng, công an hay toà án hay Chủ tịch tỉnh đều là “họ” cả — là giai cấp cai trị — nên chỉ cần một cú điện thoại là xong. Do đó, vụ việc là một cảnh báo cho thường dân: Đừng có dại dột mà đụng đến chúng tao; chúng tao có đầy đủ phương tiện để làm cho chúng bay khổ suốt đời. Một cảnh cáo kiểu “giết gà để doạ khỉ”.

Thứ ba là cái vai vế xã hội của người phạt. Giả thuyết là cô Thuỳ Trang (và ông Huy Phúc) là những người thường dân hay nhân viên cấp thấp, nên bị quan chức ăn hiếp. Nhưng nếu họ là một nhà báo hay nhà văn nổi tiếng thì có bị công an phạt hay không? Có lẽ không. Chẳng hạn như có nhà báo trong nước viết hẳn một cuốn sách cho rằng ông cựu Tổng bí thư Đỗ Mười mắc bệnh tâm thần, và nhiều thông tin động trời khác của giới lãnh đạo đảng. Nhưng hình như nhà báo này chẳng bị phạt tiền gì cả.

Đó là chưa kể đến những bài báo của Đảng Cộng sản Tàu trêu chọc, khiêu khích, đe doạ và xúc phạm giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng phía VN có nói gì đâu. Không nói là đúng, vì chẳng lẽ phải hạ mình để tranh luận với những kẻ mắc bệnh tâm thần mãn tính. Không tranh luận cũng là cách giữ vị thế của mình.

Do đó, có lẽ có sự phân biệt trong đối xử ở đây. Nó giống y chang như truyện Nguyễn Công Hoan viết “Chà! chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: ‘Nhờ bóng quan lớn’, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội ‘làm rối cuộc trị an’”. Ông Chủ tịch An Giang sao mà giống với quan lớn trong truyện trên quá!

Do đó, công lí ở Việt Nam không đúng với ý nghĩa của danh từ đó, vì nó còn tuỳ thuộc vào “đối tượng”. Nói trắng ra là “dân đen” thì khó có thể có công lí trong cái hệ thống mà công lí là do đảng cầm quyền kiểm soát. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp ông Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp ở Hà Tây lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn làm cho 2 người dân chết, vậy mà chỉ bị phạt 36 tháng tù, nhưng là… án treo! Lí do mà quan toà đưa ra là vì ông này có thành tích tốt và là… đảng viên. Bản án này chẳng những hài hước, mà còn là một phát biểu rõ rệt nhất về vị trí đứng trên pháp luật của đảng.

Nhưng điều đáng báo động nhất là khoảng cách giữa người bị trị và người cai trị. Xã hội Việt Nam ngày nay có thể ví von như là một xã hội phong kiến, với bản sắc chủ nghĩa Mao và Stalin (kiểu nhà nước cảnh sát trị), nhưng cũng hoà quyện với văn hoá tiểu nông Việt Nam. Ba đặc điểm phong kiến – Mao Stalin – tiểu nông đó giúp tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trốc, xa rời quần chúng, đúng như nhận xét của một vị tướng trong quân đội: “Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Có lẽ ông Chủ tịch quên lời dặn cán bộ của Hồ Chí Minh là “tuyệt đối không được kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”, và “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân”. Ông cụ Hồ mà có sống lại và đọc được câu chuyện này chắc phải khóc. Thành quả của bao nhiêu năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân” là đây.

Ông Chủ tịch và các đồng chí của ông ở An Giang có thể hả dạ vì ghi bàn thắng 10 triệu đồng và đày đoạ được 2 cá nhân. Nhưng ở đời này, chẳng ai giàu ba họ và chưa ai khó ba đời; hôm nay ông có thể giàu và quyền thế, nhưng tiền và quyền đó sẽ không tồn tại mãi mãi. Mười triệu đồng có thể làm cho hai người dân kia đau khổ một thời gian và ngân sách An Giang giàu thêm một chút, nhưng số tiền đó cũng có hiệu quả rất tốt trong việc đào cái hố oán thù sâu thêm trong người dân, và khoảng cách giữa ông và người dân sẽ càng xa hơn. Nhìn như thế thì ông Chủ tịch và cái hệ thống của ông là phía thua cuộc trong công cuộc thu phục nhân tâm. Và, đối với các nhà quan sát quốc tế, câu chuyện này là một minh chứng tuyệt vời cho cái khái niệm “tự do ngôn luận” của Việt Nam.

____

(*) Đúng ra, Ngày Nhà Giáo Thế Giới (World Teachers’ Day) là ngày 5/10 vì đó là ngày được UNESCO công nhận, và hơn 100 quốc gia trên thế giới tuân theo. Còn cái ngày 20/11 (cũng như nhiều “Ngày” khác) chỉ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa cũ, tuyên truyền là chính, chứ nó không có ý nghĩa như người ta nghĩ.

(1) Bị phạt 5 triệu đồng vì nói xấu đồng nghiệp trên Facebook (PLTP).

(2) Bị chê trên Facebook, chủ tịch An Giang nói gì? (PLTP).

(3) Vụ nói xấu chủ tịch tỉnh trên Facebook: “Like” cũng bị… phạt (DV).

Trích: “Nhà ông Thạnh xây cao, trời mưa nước tràn qua nhà tôi, hai vợ chồng già lấy thau lấy xô tát nước ra ngoài. Nhà mình thấp, đành chịu. Ông Thạnh trồng kiểng, nhưng không có thời gian tưới, nên phân tro trong các chậu kiểng bị khô nên bay tứ tung, tôi cũng không dám nói gì. Bên đó hay nướng thịt, khói bay qua nhà, chúng tôi cũng không nói gì vì nhà mình không kín, mà con cháu nướng chứ ông Chủ tịch cũng không có nướng. Nhà cửa giờ hư hỏng, chúng tôi cũng chưa dám gửi đơn thì con trai lẫn con dâu đều bị phạt” và “Hai vợ chồng tôi muốn dẫn con qua nhà ông Chủ tịch, xin lỗi ông, năn nỉ ông bỏ qua”.

Trong đoạn trích trên, người dân dùng chữ “không dám” đến 3 lần để nói về vai vế thấp hèn của mình trước uy quyền của ông Chủ tịch!

 

N.V.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1515474128765708

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.